Danh lam thắng cảnh di tích lịch sử Hà Nội

Danh lam thắng cảnh di tích lịch sử Hà Nội. Hà Nội – thủ đô ngàn năm văn hiến luôn là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam và là nơi ai ai cũng mong muốn được một lần ghé thăm để chiêm ngưỡng, tìm hiểu, khám phá những di tích dịch sử cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Trong bài viết dưới đây, Dulịchbalo.org sẽ giới thiệu đến bạn những danh lam thắng cảnh di tích lịch sử Hà Nội nổi bật để bạn có cái nhìn tổng quan về du lịch Hà Nội và có thể dễ dàng lựa chọn cho mình và gia đình những điểm đến yêu thích nhất!

1. Tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm

  • Địa chỉ: Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Hồ Gươm – biểu tượng của Hà Nội sẽ là điểm đến đầu tiên mà chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn. Hồ Hoàn Kiếm nằm ngay giữa trung tâm thành phố, khoác trên mình lớp áo xanh mát của thiên nhiên, cây cỏ và hồ nước. Nằm giữa hồ Gươm là tháp Rùa uy nghiêm gắn với truyền thuyết Lê Lợi trả gươm rùa thần – sự tích gắn liền với truyền thống yêu hoà bình của dân tộc. Kiến trúc của tháp Rùa là sự giao thoa hài hoà của nền kiến trúc Pháp cùng với thiết kế mái cong đậm nét truyền thống của kiến trúc đình chùa Việt Nam. Sự giao thoa đã tạo nên nét đẹp độc đáo, riêng biệt của tháp Rùa mà ai đã từng ghé qua đều không thể nào quên được. Cùng với nhiều sự tích ly kỳ, hấp dẫn được tương truyền từ bao đời tháp Rùa đã luôn là một phần tâm hồn của người Hà thành và của người Việt trên khắp mọi miền Tổ Quốc.

2. Đền Ngọc Sơn

  • Địa chỉ: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Giá vé tham khảo: 30.000 đồng/ người lớn, miễn phí trẻ em dưới 15 tuổi
  • Giờ mở cửa: 8:00 – 18:00

Nằm trong khuôn viên của hồ Hoàn Kiếm là đền Ngọc Sơn. Đây cũng là một di tích lịch sử – văn hóa tiêu biểu đặc trưng cho truyền thống tín ngưỡng của người Hà Nội. Chắc hẳn, bạn đã nghe đến câu thơ: “Rủ nhau xem cảnh Bờ Hồ – Xem cầu Thê Húc, xem đền Ngọc Sơn” rồi phải không? Để tới được đền Ngọc Sơn, chúng ta phải đi qua cây cầu Thê Húc. Điểm nổi bật của cây cầu là màu sơn đỏ rực, giống như tên gọi Thê Húc mang ý nghĩa là ánh sáng tươi đẹp của mặt trời. Nhìn từ xa, cây cầu như một dải lụa đỏ mềm mại, uốn cong giữa mặt hồ xanh mát. Bên trái của đền là Đài Nghiên, phía Đông trên núi Ngọc Bội có tháp Bút, đều là những di tích quan trọng mà người dân Hà Nội luôn trân quý. Tất cả đã tạo nên một không gian uy nghiêm, lắng đọng. Trong đền Ngọc Sơn thờ hai vị thần là Văn Xương Đế Quân – thần văn chương khoa cử và Trần Hưng Đạo – vị anh hùng có công phá quân Nguyên thế kỷ 13.

Mọi người đến đền Ngọc Sơn vừa để thắp nén nhang, cầu khẩn thần linh phù hộ sức khỏe, bình an; vừa muốn hòa mình vào không gian trầm mặc hương khói để tĩnh tâm, thư thái cũng là để thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên thoáng đãng, tươi mát để tránh xa những ồn ào, vồn vã của cuộc sống.

3. Chùa Một Cột

  • Địa chỉ: Phố Chùa Một Cột, Ba Đình, Hà Nội
  • Giá vé tham khảo: Miễn phí cho công dân Việt Nam. Người nước ngoài phí vào cổng 25.000 vnđ/vé.
  • Giờ mở cửa: 8:00 – 18:00

Chùa Một Cột còn có tên là Diên Hựu hay Liên Hoa Đài là di tích nằm trong quần thể khu di tích Phủ Chủ tịch và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chùa Một Cột được biết đến như một công trình kiến trúc độc đáo độc nhất vô nhị. Chùa được thiết kế mô phỏng tựa như một đoá sen khổng lồ nằm bên hồ nước trong xanh. Sở dĩ chùa được gọi là chùa Một Cột vì tòan bộ kiến trúc được đặt trên một trụ đá hình vuông cao 4m, đường kính 1,2m. Ngôi chùa được thiết kế độc đáo theo quy luật âm dương của vũ trụ. Vòng ngoài có hình vuông là cực âm và cột hình tròn tượng trưng cho cực dương, hai cực tương sinh hài hòa và trọn vẹn.

Khách du lịch khi đến với Hà Nội thường ghé thăm chùa Một Cột với lòng sùng kính đức Phật, làm lễ dâng hương hoa cầu sức khoẻ, bình an cho gia đình, người thân; cầu tự, cầu con. Đồng thời, cũng là dịp để người dân được chiêm ngưỡng không gian kiến trúc độc đáo của một di tích lịch sử – một trong những biểu tượng cổ kính của Thủ đô.

4. Văn Miếu Quốc Tử Giám – Trường đại học đầu tiên của Việt Nam

  • Địa chỉ: 58 phố Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội
  • Giá vé tham khảo: 30.000 vnđ/lượt, miễn phí trẻ em dưới 15 tuổi
  • Giờ mở cửa:

+ Mùa hè từ 7:30 – 18:00

+ Mùa đông từ 8:00 – 18:00

Nhắc đến Hà Nội, chắc hẳn bạn sẽ nghe nhắc rất nhiều về Văn Miếu Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Ngày nay, nơi đây lại là điểm du lịch nổi bật nằm trong danh sách di tích lịch sử Hà Nội và được rất nhiều khách du lịch ghé thăm mỗi ngày.

Văn Miếu Quốc Tử Giám được thành lập vào cuối thế kỷ XI, gồm có 2 phần chính là: Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 là nơi thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, nhưng ngày nay thì Văn Miếu chỉ thờ Khổng Tử. Quốc Tử Giám thành lập năm 1076, trước kia đây là nơi bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Quần thể di tích nằm trong khuôn viên rộng lớn (54331 m2) bao gồm các di tích như: Hồ Văn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, vườn Giám, lầu chuông, lầu trống, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Đại Thành môn, bia tiến sĩ, nhà Thái Học. Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng theo lối kiến trúc đăng đối từng khu, từng lớp giống với lối kiến trúc của khu Văn miếu thờ Khổng Tử ở Trung Quốc. Tuy nhiên, lại có sự kết hợp với lối kiến trúc truyền thống của người Việt tạo thành một quần thể hài hoà, sinh động.

Đến Văn Miếu Quốc Tử Giám được chứng kiến những di tích lịch sử – biểu tượng cho đạo học của Việt Nam, những bảng vàng rực rỡ của ông cha bạn sẽ như được tiếp một nguồn sức mạnh để có thêm động lực phấn đấu học tập, rèn luyện để xứng đáng với tổ tiên, cội nguồn. Văn Miếu Quốc Tử Giám không chỉ là điểm du lịch được yêu thích bậc nhất tại Hà Nội mà đây còn là nơi tổ chức rất nhiều sự kiện văn hoá – giáo dục quan trọng như: hội thơ, biểu diễn âm nhạc dân tộc, cho chữ vào mỗi dịp Tết đến xuân sang, lễ vinh danh học sinh ưu tú, xuất sắc. Đặc biệt, là nơi để các bậc phụ huynh, các bạn học sinh, sinh viên từ khắp nơi đổ về trước những mùa thi để thắp hương cầu mong đỗ đạt, thành tài.

5. Chùa Trấn Quốc

  • Địa chỉ: Đường Thanh Niên, quận Tây Hồ, Hà Nội
  • Giờ mở cửa: 8:00 – 16:00

Chùa Trấn Quốc là ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội với lịch sử hơn 1500 năm tuổi. Không chỉ có thế, chùa còn được vinh danh là một trong những ngôi chùa đẹp nhất trên thế giới. Chùa Trấn Quốc vừa là chốn cửa Phật linh thiêng gắn với Phật giáo Thăng Long vừa là một di tích lịch sử gắn liền với những cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc. Đến với chùa Trấn Quốc, bạn sẽ hoàn toàn bị thu hút trước không gian tĩnh lặng, thanh bình cùng vẻ đẹp nên thơ, cổ kính, trầm mặc của ngôi chùa giữa bốn bề sông nước.

Chùa Trần Quốc – Ngôi chùa cổ nhất Hà Nội 

được tôn vinh là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới

Nét đặc trưng tiêu biểu khiến mọi người thích thú khi đến chùa Trấn Quốc chính là vườn tháp với rất nhiều tháp cổ được hình thành từ thế kỷ 18. Nổi bật trong đó là tòa Bảo Tháp 11 tầng, cao 15m màu đỏ gạch. Đứng từ xa bạn đã nhận ra ngay chùa Trấn Quốc nổi bật giữa không gian bao la của hồ Tây. Bên trong chùa lưu giữ rất nhiều bức tượng Phật bằng đá quý có giá trị nghệ thuật lớn; các hiện vật, bức hoành đều được trạm trổ tỉ mỉ, sơn son thiếp vàng sặc sỡ càng tôn lên vẻ uy nghi, quyền quyền quý. Trải bao biến cố thăng trầm, dù mái ngói đã ngả màu rêu phong nhưng ngôi chùa vẫn là điểm đến linh thiêng hấp dẫn đối với người dân Hà thành và khách du lịch bốn phương.

6.  Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh

  • Địa chỉ: 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội
  • Giá vé tham khảo:

+ Miễn phí công dân Việt Nam
+ Thu phí 25.000 vnđ/lượt đối với khách nước ngoài

  • Giờ mở cửa:

+ Thứ 3, 4, 5 từ 8:00 – 11:00;

+ Thứ 7+CN từ 8:00 – 11:30;

+ Đóng cửa thứ 2 và thứ 6

Nhắc tới lăng Bác, chắn hẳn ai trong chúng ta đều có một nỗi niềm tha thiết nhớ về người cha già của dân tộc. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi an nghỉ của vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Được thăm Lăng Chủ tịch là niềm ao ước của mọi người dân Việt Nam. Vào những ngày cuối tuần hoặc lễ tết, đến đây bạn sẽ được chứng kiến dòng người hàng ngàn người xếp hàng để được vào viếng lăng Bác. Ai cũng mong muốn được ngắm nhìn vị lãnh tụ thân yêu dù chỉ là một phút thôi cũng đủ thấy xúc động, lưu luyến chẳng muốn dời.

 Thông thường, mọi người tham quan Lăng Bác sẽ thăm quan hết những di tích nằm trong quần thể di tích Lăng Chủ tịch và Quảng trường Ba Đình bao gồm: Lăng Bác, nhà sàn, ao cá Bác Hồ, bảo tàng Hồ Chí Minh và chùa Một Cột. Tại đây, bạn có thể tận mắt chiêm ngưỡng ngôi nhà sàn đơn sơ, vườn cây, ao cá, hàng râm bụt và những vật dụng hết sức giản dị gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác. Càng giúp ta hiểu thêm về cuộc sống bình dị, mộc mạc của người. Điều đặc biệt, vào buổi sáng và buổi tối ngay trước lăng Bác sẽ diễn ra lễ thượng cờ và lễ hạ cờ. Mặc dù các nghi lễ này diễn ra hàng ngày nhưng rất nhiều người dân Hà Nội vẫn mong đợi để chứng kiến như một thói quen hàng ngày không thể bỏ lỡ.

7. Chợ Đồng Xuân

  • Địa chỉ: Chợ Đồng Xuân nằm trong khu Phố cổ, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Một điểm đến bạn không thể bỏ qua ở Hà Nội là chợ Đồng Xuân. Đây là khu chợ lớn nhất của Hà Nội. Đến đây, bạn có thể tìm mua đủ mọi thứ hàng trên đời từ quần áo, vải vóc, trang sức, đồ lưu niệm, đồ gia dụng, điện tử đến những món đặc sản, món quà ý nghĩa làm quà cho người thân, bạn bè. Bạn cũng có thể nếm thử các món ăn hấp dẫn tại các khu hàng ăn uống được bày biện đẹp mắt tại khu bắc của chợ.

Chợ Đồng Xuân còn phục vụ du khách vào buổi tối. Chợ đêm kéo dài khoảng 3km qua các con phố Hoàn Kiếm, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường và ngõ chợ Đồng Xuân. Chợ họp từ 18h đến 22h30 mỗi ngày. Ngoài việc mua sắm, vui chơi, thưởng thức ẩm thực đi chợ đêm vào các buổi tối thứ 6, thứ 7 bạn có thể thưởng thức những màn trình diễn nghệ thuật dân tộc đặc sắc như xẩm, chèo, quan họ, chầu văn… Chợ Đồng Xuân chính là một trải nghiệm cực kì tuyệt vời, bạn có thể khám phá và trải nghiệm rất nhiều điều thú vị tại đây.

8. Nhà thờ lớn Hà Nội

  • Địa chỉ: 40 Nhà Chung, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Nhà thờ lớn Hà Nội là một công trình mang đậm phong cách kiến trúc Gothic cổ. Với những người theo đạo Thiên chúa thì nhà thờ lớn là nơi linh thiêng để đi lễ, cầu nguyện. Còn với những người ngoại đạo thì đây là điểm tham quan, khám phá thú vị.

Nhìn tổng quan, nhà thờ lớn khá giống với nhà thờ Đức Bà Paris tại Pháp, vật liệu chính để làm nên nhà thờ là gạch đất nung và giấy bổi. Chiều dài nhà thờ dài khoảng 65m, chiều rộng khoảng 21m, hai tháp chuông cao khoảng 32m. Nhìn từ bên ngoài, những lớp gạch đã bị phủ rêu phong nhưng khi vào bên trong du khách sẽ thật sự ngỡ ngàng bởi sự nguy nga, tráng lệ của ánh đèn, nến, tượng Chúa. Điều làm du khách thích thú khi đến nhà thờ là chọn một chỗ ngồi lý tưởng để uống trà, nói chuyện phiếm với bạn bè và ngắm nhà thờ cổ kính từ bên ngoài.

9. Công viên Hoà Bình

  • Địa chỉ: Đường Phạm Văn Đồng – phường Xuân Đỉnh – quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội.

Công viên được xây dựng nhằm kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng là một trong những biểu tượng mới của thủ đô. Với diện tích khoảng hơn 20 ha, không gian rộng lớn, thoáng đãng công viên là sự kết hợp hài hoà của thiên nhiên, hồ nước, vườn tiểu cảnh, những tượng đài đồ sộ, quảng trường, khu tạo hình tạo nên cảnh quan vô cùng tuyệt sắc. Đến đây, bạn vừa được hoà mình vào thiên nhiên tươi mát vừa được tham gia vào hoạt động vui nhộn như: trượt patin, chơi cầu lông, tập nhảy… Thật là thú vị phải không nào? Các bạn đừng quên đến đây để trải nghiệm và thư giãn những lúc rảnh rỗi nhé.

Công viên Hoà Bình là điểm vui chơi quen thuộc ở Hà Nội

Trên đây là danh sách những danh lam thắng cảnh di tích lịch sử Hà Nội nổi bật nhất mà dulichbalo.org gợi ý cho bạn. Ngoài ra, Hà Nội còn vô số những điểm hấp dẫn mà để khám phá và hiểu hết Hà Nội bạn phải cần rất nhiều thời gian đấy. Hy vọng, với những chia sẻ của chúng tôi, bạn sẽ có thật nhiều những trải nghiệm thú vị ở nơi đây để chia sẻ với bạn bè, người thân. Đừng quên theo dõi dulichbalo.org để tìm hiểu thêm những kiến thức mới mẻ nhé!

4.2/5 - (4 bình chọn)